Trên thế giới hiện có khoảng 2700 loài, ở Việt Nam đã phát hiện được 80 loài, các loài này khác nhau về hình thái, số lượng cá thể, cấu trúc xây dựng tổ và mức độ gây hại. Và hiện nay, có 3 loài gây hại phổ biến nhất Việt Nam bao gồm: mối gỗ ẩm, mối đất và mối gỗ khô , trong đó mối thợ đóng vai trò gây hại chính.
1. XỬ LÝ MỐI BẰNG PHƯƠNG PHÁP LAN TRUYỀN
Mục đích: Tiêu diệt và ngăn ngừa sự xâm hại của mối.
Để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật cần tiến hành xử lý ngay theo các bước sau:
Bước 1: Nghiên cứu khảo sát và phân loại mối
Bước 2: Đặt bẫy nhử mối
- Chọn vị trí để đặt bẫy nhử mối (vị trí mối tập trung phá hoại mạnh), sau đó đặt bẫy cố định tại khu vực đang có mối hoặc trên đường mui của mối. Trường hợp mối phá hoại những khu vực trên cao thì phải làm giá treo cố định bẫy mối.
- Số lượng bẫy mối cần đặt phụ thuộc vào mức độ phá hoại của mối và khu vực xử lý.
- Kiểm tra định kỳ bẫy mối trong khoảng thời gian 7 – 10 ngày.
- Trong thời gian kiểm tra, không được di dời hoặc có tác động mạnh ảnh hưởng tới các bẫy mối.
Bước 3: Rắc thuốc
Sau 15 – 20 ngày kể từ ngày đặt bẫy nhử, tiến hành mở bẫy, sau đó dùng thuốc PMC 90 rắc đều lên các con mối trên bề mặt các miếng gỗ cho đều rồi xếp trở lại vào vị trí ban đầu. Mối thợ sẽ mang thuốc này về tổ và truyền cho cả tổ.
PMC 90 được rắc đều với lượng vừa đủ (tránh mỏng quá hoặc đậm quá) để không tiêu diệt ngay mối thợ nhưng cũng đủ lượng để có thể tiêu diệt cả tổ mối.
Bước 4: Phun thuốc
Sau 5 – 7 ngày kể từ ngày rắc thuốc, tiến hành dọn bỏ và thu gom bẫy mối. Sau đó tiến hành phun thuốc Agenda 2.5EC, Mapseda, Lenfos…ngăn ngừa mối cho khu vực xử lý.
Sau 25-30 ngày kể từ ngày xử lý kiểm tra phải bảo đảm tuyệt đối khu vực xử lý không còn mối xuất hiện
2. PHUN THUỐC NGĂN NGỪA MỐI CHO NHÀ XƯỞNG, KHO TÀNG, KẾT CẤU GỖ
Mục đích: Phòng ngừa sự tấn công của mối trước khi mối phá hoại công trình.
Phương thức xử lý: Dùng thuốc Agenda 2.5EC hoặc Mapsedan phun vào các đường rãnh dọc theo nền, chân tường. Cũng có thể bơm, tiêm hoặc phun thuốc trực tiếp lên bề mặt hoặc phun xung quanh cấu kiện gỗ, v.v.
Qui trình phun thuốc xử lý như sau:
- Sử dụng khoan bê-tông khoan các lỗ khoan dọc theo chân tường bên trong (và bên ngoài nhà nếu có thể hoặc theo yêu cầu khách hàng). Lưu ý việc khoan này không làm ảnh hưởng tới kết cấu cũng như thẩm mỹ nền nhà.
- Sử dụng bơm áp lực và các dụng cụ chuyên dùng khác đẩy thuốc xử lý nền móng xuống theo các lỗ khoan. Thuốc có tác dụng thẩm thấu và tồn lưu dưới nền móng, diệt trừ và ngăn chặn mối xâm nhập trở lại.
- Bịt kín các lỗ khoan bằng xi-măng, tạo màu nền và dọn vệ sinh hoàn trả mặt bằng.
3. XỬ LÝ MỐI NỀN MÓNG
Phương pháp này được áp dụng khác nhau tùy theo từng loại công trình khác nhau, phù hợp với Tiêu chuẩn xây dựng 7958 : 2008 của Bộ Xây dựng; định mức dự toán điều tra, khảo sát và xử lý mối của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và định mức đơn giá về công tác phòng chống mối cho công trình xây dựng của Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam.
Việc xử lý thông thường sẽ được tiến hành theo các hạng mục sau:
- Xử lý diệt mối cho nền đất cũ nơi xây dựng công trình, vách tường công trình liền kề (nếu có).
- Phun thuốc xử lý thành và đáy hố móng trước khi đổ bê-tông móng.
- Tạo và xử lý hóa chất phòng chống mối cho hào (hàng rào phòng mối) bên trong và/hoặc bên ngoài công trình.
- Xử lý hóa chất phòng chống mối cho bề mặt nền công trình trước khi đổ bê-tông lót.
- Xử lý hóa chất phòng chống mối cho bề mặt sàn các tầng trên trước khi lát sàn.
- Xử lý hóa chất phòng chống mối cho tường, chân tường, khe chống lún, đường đi dây ngầm, ống ngầm trong tường,….
- Xử lý hóa chất phòng chống mối cho các kết cấu gỗ trước khi lắp đặt vào công trình.
Chỉ tiêu kỹ thuật: Hoá chất sử dụng Mapsedan, Lenfos. Tiêu chuẩn 05 lít dung dịch cho mỗi mét vuông nền.